Hà Bắc dậy sóng Sự biến Phụng Thiên

Thời Đường Huyền Tông đã đặt 9 Tiết độ sứ và 1 Kinh lược sứ, quyền lực tập trung ở phía bắc rất rõ nét. Một Tiết độ sứ có thể được kiêm nhiệm ở hai, ba trấn. Sau loạn An Sử, để đề phòng bạo loạn, nhà Đường đặt các trấn sâu vào nội địa. Theo sự thỉnh cầu của Bộc Cố Hoài Ân, Đường Đức Tông cho các tướng cũ của họ Sử làĐiền Thừa Tự làm Tiết độ sứ Ngụy Bác[2], Lý Hoài Tiên làm Tiết độ sứ Lư Long[3], Lý Bảo Thần là Tiết độ sứ Thành Đức[4], Tiết Bão làm Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[5]. Một số tướng không xuất thân từ lực lượng An, Sử cũng được phong tiết độ sứ để tạo sự kềm kẹp giữa các trấn, như Hầu Hi Dật ở Tri Thanh[6], Lý Trung Thần ở Hoài Tây[7]... Tuy nhiên các tướng này cũng dần liên kết với các tướng cũ của An, Sử; kế hoạch tạo cân bằng của trung ương hầu như không phát huy tác dụng.

Năm 773, sau khi Tiết Tung qua đời, Điền Thừa Tự đánh chiếm các châu Tương, Vệ của Chiêu Nghĩa, công khai chống đối triều đình một thời gian, cuối cùng gây sức ép buộc Đại Tông phải xá tội và công nhận quyền quản lý của mình tại Tương, Vệ. Tại Lư Long, liên tiếp hai tiết độ sứ Lý Hoài TiênChu Hi Thải bị giết, Chu Thử trở thành người đứng đầu tại U châu, nhưng sau được triệu đến triều đình, vì thế em là Chu Thao nắm thực quyền tại Lư Long.

Ngụy Bác, Thành Đức, Lư Long gọi là Hà Bắc tam trấn. Từ cuối đời Đường Đại Tông, nhiều phiên trấn đã bỏ việc nộp thuế và kê khai dân số lên triều đình trung ương. Điền Thừa Tự cùng Lý Bảo Thần và tiết độ sứ Tri Thanh Lý Chính Kỷ bàn nhau thực hiện chế độ cha truyền con nối, không để quan lại nhà Đường đến trấn nhậm thay thế. Để thắt chặt quan hệ, ba nhà sắp đặt việc hôn nhân, định ước cứu giúp nhau mỗi khi gặp khó khăn.

Năm 779, Điền Thừa Tự mất[8]. Thừa Tự có 11 người con trai, nhưng yêu thương cháu gọi mình bằng chú, tức Điền Duyệt. Vì vậy Thừa Tự nhường chức cho Điền Duyệt, lệnh chư tử phải phò tá. Lý Bảo Thần đề nghị nhà Đường công nhận. Đường Đại Tông chấp nhận thỉnh cầu[9].

Đến năm 780, Đường Đức Tông lên kế vị Đại Tông, có chủ trương dẹp phiên trấn. Lý Chánh Kỉ thấy tính khí của Đức Tông nên nhiều lần dâng lễ vật vào các dịp sinh nhật để lấy lòng; nhưng Đức Tông đem số lễ vật sung vào ngân khố, bảo rằng coi đó như tiền thuế của người Tề nộp lên. Chánh Kỉ biết ý trách móc của Đức Tông, nên càng lo sợ hơn.

Năm 781, Lý Bảo Thần lâm bệnh, muốn nhường ngôi cho con là Lý Duy Nhạc. Thấy Duy Nhạc tuổi trẻ yếu đuối, Bảo Thần cho giết hơn 20 tướng lĩnh ở Thành Đức, bảo đảm ngôi vị cho con. Duy chỉ có thứ sử Dịch châu Trương Hiếu Thành và thông gia với Bảo Thần là Vương Vũ Tuấn thoát chết. Khi Bảo Thần trúng độc mà chết, Duy Nhạc giấu việc không phát tang, tự lập lên kế vị ở trấn Thành Đức, cũng xin nhà Đường thừa nhận, nhưng Đức Tông từ chối. Vì vậy Lý Duy Nhạc liên kết Điền Duyệt ở Ngụy Bác, 2 trấn lại liên minh với Lương Sùng Nghĩa ở Đông Đạo Sơn Nam[10] cùng Lý Chánh Kỉ ở Tri Thanh chống lại triều đình để bảo vệ chế độ cha truyền con nối ở các trấn. Giữa năm đó, Lý Chánh Kỉ bệnh mất, con là Lý Nạp lên thay cũng không được triều đình công nhận. Các trấn do vậy hợp sức kháng lại triều đình, sử xưng loạn tứ trấn.